Gỗ có một lịch sử sử dụng lâu dài, từ các công cụ trong thời kỳ đồ đá đến xe đẩy trong thời trung cổ và đồ nội thất hiện đại. Ngày nay, gỗ vẫn là vật liệu chính trong các ứng dụng từ nhà khung gỗ đến cột điện. Nhưng gỗ có những nhược điểm riêng như mẫn cảm với sâu bệnh, độ ẩm và dễ bị cong vênh.
Có thể nói gỗ là một hỗn hợp composite bởi vì nó là sự kết hợp của sợi cellulose và lignin. Một số ứng dụng của vật liệu composite như cần câu cá và gậy đánh golf đã sao chép thiết kế tự nhiên của gỗ. Tuy nhiên vật liệu composite nhân tạo có những lợi thế hơn so với gỗ:
Vật liệu composite sử dụng được lâu dài. Gỗ sau một thời gian dài cũng sẽ bị mục rữa, nhưng vật liệu composite rất bền. Có thể lấy ví dụ về ngành hàng hải: Thuyền gỗ đòi hỏi nhiều sự bảo trì để kéo dài thời gian sử dụng, trong khi nhiều thuyền làm bằng composite vẫn hoạt động trong hơn 50 năm.
Vật liệu composite ổn định về kích thước. Composite giữ được hình dạng và kích thước khi nóng hoặc mát, ướt hoặc khô. Còn gỗ thì khác, có thể bị phồng lên và co lại khi độ ẩm thay đổi.
Vật liệu composite không cần phải bảo trì nhiều. Trong một số ứng dụng ví dụ như sàn phòng, tính chất này rất quan trọng. Có thể làm sạch sàn composite bằng xà phòng và nước, trong khi nếu là sàn gỗ cần thường xuyên vệ sinh, kiểm tra xem có bị mối mọt không, chà nhám và nhuộm màu lại nếu bị phai màu.
Vật liệu composite dễ vận chuyển và lắp đặt. Do khối lượng nhẹ nên vật liệu composite là vật liệu thay thế lý tưởng cho gỗ trong các ứng dụng như cột điện. Bởi vì nó ít tốn kém trong quá trình vận chuyển và lắp đặt ở những vị trí xa nếu so sánh với sử dụng vật liệu bằng gỗ.
Vật liệu composite có khả năng kháng sâu bệnh. Mối, kiến thợ mộc, bọ cánh cứng và các loài gây hại khác ăn mòn gỗ, gây thiệt hại rất lớn. Nếu sử dụng vật liệu composite sẽ không phải lo sợ về vấn đề sâu bệnh, thế nên nó rất lý tưởng cho rất nhiều ứng dụng từ khung cửa sổ đến tường chắn.